Sau gần 3 năm ứng phó với dịch COVID-19, trong đó hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch, Việt Nam đã thích nghi với cuộc sống bình thường mới, mở cửa đất nước. Bộ Y tế cho biết dịch COVID-19 ở nước ta đang được kiểm soát tốt.

Biến thể XBB dễ lây lan

Theo Bộ Y tế, trong 2 tháng qua, số ca mắc và tử vong do COVID-19 giảm sâu. Đáng chú ý, 1 tuần qua, số trường hợp mắc mới luôn ở dưới mốc 100 ca và không có người tử vong do COVID-19.

Kể từ thời điểm dịch COVID-19 xuất hiện đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 11,5 triệu người mắc nhưng đã có trên 10,6 triệu người được điều trị khỏi bệnh.

Nước ta đã tiêm hơn 265,5 triệu liều vắc-xin COVID-19. Trong đó, tỉ lệ tiêm đủ 3 mũi với người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 80%, nhóm 12-17 tuổi là trên 68%. Riêng nhóm trẻ em từ 5 tới dưới 12 tuổi có 92% tiêm mũi 1.

Cảnh giác với dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Tiêm vắc-xin mũi nhắc lần 3 cho người lớn tuổi, mắc bệnh nền tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM) Ảnh: HẢI YẾN

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vắc-xin cao nhất thế giới. Nhờ vậy, dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước nhưng dịch trong nước đang được kiểm soát tốt.

Tuy nhiên, vừa qua, biến thể phụ XBB đã xuất hiện ở TP HCM và Tây Ninh. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các biến chủng, biến thể phụ của virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi; miễn dịch do tiêm vắc-xin giảm dần theo thời gian; một số nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc mở cửa, nới lỏng các chính sách phòng chống dịch sẽ dẫn đến nguy cơ số ca mắc gia tăng. Do đó, Việt Nam vẫn phải cảnh giác với dịch COVID-19.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 500 biến thể của virus SARS-CoV-2. Biến thể phụ XBB được ghi nhận từ tháng 10-2022 và đến nay đã lây lan ở hơn 70 quốc gia.

Ông Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, đánh giá sự xuất hiện của biến thể mới này cho thấy đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc. "Bất cứ nơi nào có COVID-19 đang lưu hành, ở đó sẽ hiện diện nguy cơ gia tăng số ca mắc mới và sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm" - ông Angela Pratt nhấn mạnh.

Từ tháng 6-2022, Omicron là biến thể đáng quan ngại duy nhất lưu hành trên toàn cầu. Tuy nhiên, từ Omicron, các nghiên cứu đã cho thấy sự xuất hiện của một số biến thể phụ, bao gồm XBB. Đây là biến thể tái tổ hợp, được kết hợp từ 2 biến thể phụ khác của Omicron.

Biến thể XBB và các biến thể phụ của nó đã được phát hiện tại hơn 10 quốc gia khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam và sẽ tiếp tục lây lan trong thời gian tới. "Dựa trên những nghiên cứu đã biết, hiện biến thể XBB và các biến thể phụ của nó dễ lây lan hơn các biến thể phụ khác" - ông Angela Pratt lo ngại.