Nếu quyết định không đúng, không trúng sẽ gây lãng phí nguồn lực

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc chuẩn bị các nội dung kỳ họp bất thường đã được chuẩn bị từ rất sớm, khi Quốc hội đang tiến hành Kỳ họp thứ Hai.

Với quyết tâm không để các vấn đề cấp bách đối với sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước phải chờ đến Kỳ họp tháng 5-2022 mới trình Quốc hội xem xét, quyết định, trong thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành rất nhiều việc để chuẩn bị cho 4 nội dung trình kỳ họp bất thường.

Riêng với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm chuyên sâu về các nội dung liên quan, có nhiều cuộc làm việc với các cơ quan của Chính phủ và Chính phủ.

Đặc biệt, mới đây nhất là đã tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam bàn riêng về chủ đề phục hồi và phát triển bền vững; trong đó có chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

“Có những nội dung đã trình đi trình lại nhiều lần cho đến khi đạt được thống nhất về quy mô, cách thức hỗ trợ. Đến nay, Chính phủ đã tiếp thu tối đa các vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra, có những nội dung ban đầu trình là không có nhưng trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội đã được bổ sung”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội: Các quyết sách không đúng, không trúng là có lỗi với sự phát triển của đất nước
Chủ tịch Quốc hội: Các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế quyết định không đúng, không trúng sẽ có lỗi với sự phát triển của đất nước. Ảnh: VPQH

Cơ bản các chính sách tài khóa, tiền tệ được trình Quốc hội lần này, theo Chủ tịch Quốc hội, đã bảo đảm đúng định hướng: Kết hợp cả tài khóa và tiền tệ; tác động cả phía cung và phía cầu; quy mô đủ lớn (tính theo giá trị thực tế và thống kê chưa đầy đủ thì giá trị gói chính sách vào khoảng 5,25% GDP, cộng với các chính sách hỗ trợ được thực hiện trong 2 năm 2020 - 2021 thì tổng quy mô hỗ trợ gần 10% GDP, cao gấp đôi so với mức bình quân của các nước có điều kiện tương tự như Việt Nam); thời gian đủ dài trong 2 năm; phân bổ vốn vào các lĩnh vực giải ngân được ngay, tạo ra được hiệu quả cho nền kinh tế.

“Đây là gói chính sách bổ sung, nằm ngoài các khung khổ 5 năm 2021 - 2025 đã được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Do vậy, nếu Quốc hội quyết định không đúng, không trúng sẽ gây lãng phí nguồn lực và có lỗi với sự phát triển của đất nước, có lỗi với nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cho rằng rủi ro chính sách là có song Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, phải phân bổ nguồn lực cho đúng, trúng, sử dụng hiệu quả, khả thi, có tính lan tỏa cao. Mặt khác, thời gian thực hiện chỉ có 2 năm, nếu không bảo đảm triển khai nhanh, hiệu quả thì không còn là gói hỗ trợ khẩn cấp nữa.

Chính sách dành cho chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ chưa rõ nét

Ngoài ra, đi sâu vào nội dung, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, chính sách dành cho chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ... còn ít, nhất là nguồn lực chi từ ngân sách để thúc đẩy các lĩnh vực này trong dự thảo Nghị quyết chưa rõ nét.

Định hướng tái cơ cấu nền kinh tế trong 5 năm tới đã được Quốc hội xác định, trong đó tập trung vào kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… Do đó, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với đề xuất của Ủy ban Kinh tế phải rà soát ngay các vướng mắc trong việc thực hiện quy định về Quỹ Phát triển khoa học công nghệ.

Nếu vướng mắc về pháp lý, kể cả vướng luật thì phải tháo gỡ ngay để cho phép sử dụng được nguồn lực rất lớn đang nằm tại Quỹ này, cho phép doanh nghiệp có thể đầu tư cho đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… Hiện nay, nhiều doanh nghiệp không tiêu được Quỹ này vì vướng quy định của Luật.

“Phải gỡ chính sách này một cách căn cơ. Đây mới là việc lâu dài, nhưng cũng chưa được đầu tư lắm”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Cùng với đó, nhất trí phải có các cơ chế chính sách khác biệt nhằm bảo đảm giải ngân sớm, hấp thụ nhanh nguồn lực hỗ trợ, song Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu phải giữ nguyên tắc, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật. Các chính sách đặc thù cũng phải chỉ rõ địa chỉ cụ thể, quy trình thủ tục rõ ràng mới triển khai trong thực tế được chứ không thể nói chung chung.

“Tinh thần là Quốc hội ủng hộ cao nhất để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Các cơ chế chính sách thí điểm phải rõ địa chỉ để kiểm soát, cái gì cần sửa luật thì báo cáo Quốc hội để sửa luật. Nếu có ủy quyền, phân cấp thì chỉ ủy quyền, phân cấp một cấp, đi liền với đó là trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội: Các quyết sách không đúng, không trúng là có lỗi với sự phát triển của đất nước
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Chính sách tập trung thực hiện trong 2 năm nên phải càng nhanh càng tốt, dứt điểm, để giải quyết được bài toán phục hồi và phát triển hiện nay. Ảnh: Trọng Hải

Việc ban hành gói tài khóa, tiền tệ sẽ kích thích phát triển kinh tế tốt hơn nữa trong thời gian tới

Còn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thì nhấn mạnh: “Đã đến lúc chúng ta không thể ngồi yên”. Dẫn số liệu cho thấy sau thời gian thực hiện thích ứng linh hoạt, an toàn thì nền kinh tế đã khởi sắc thấy rõ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng việc ban hành gói tài khóa, tiền tệ sẽ kích thích phát triển kinh tế tốt hơn nữa trong thời gian tới.

“Chỉ số phát triển công nghiệp liên tục 3 tháng cuối năm ở ngưỡng trên dưới 5% và kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 tăng trưởng ngoạn mục, dự kiến đạt 670 tỷ USD và chúng ta xuất siêu được 4 tỷ USD tính đến thời điểm 31-12-2021. Có thể nhìn nhận, những chính sách chúng ta đã ban hành rất kịp thời và phù hợp”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn chứng.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ: Việc ban hành gói này không còn sớm nhưng chưa phải muộn. Chính sách tập trung thực hiện trong 2 năm nên phải càng nhanh càng tốt, dứt điểm, để giải quyết được bài toán phục hồi và phát triển hiện nay.

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng việc áp dụng các cơ chế đặc thù là cần thiết, đi kèm với đó là thanh tra, kiểm tra, giám sát và nghiêm túc trong thực thi công vụ.

HẰNG PHƯƠNG