Chuyển đổi số bắt đầu từ đâu?13/07/2022 - 10:07:00 Gần đây, câu chuyện chuyển đổi số được quan tâm nhiều, song bắt đầu từ đâu vẫn luôn là câu hỏi được nhiều doanh nghiệp đặt ra. Một số ý kiến cho rằng, chuyển đổi số bằng cách áp dụng công nghệ mới. Ngược lại, không ít người nhận định, chuyển đổi số phải hướng đến nhân lực và hiệu quả kinh doanh.
Công nghệ đặt lên hàng đầu Theo nghiên cứu của Mckinsey, tính đến năm 2025 tác động của chuyển đổi số tới GPD nước Mỹ là 25%, Brazil là 35% và các nước châu Âu là 36%. Bên cạnh đó, khảo sát của MIT Center for Digital Business cho hay, doanh nghiệp (DN) đã thực hiện chuyển đổi số sẽ đạt lợi nhuận cao hơn 26% so với mức trung bình của các đối thủ trong cùng lĩnh vực, đồng thời có gí trị thị trường cao hơn 12%. Tương tự, nghiên cứu được thực hiện bởi Microsoft, tình hình các DN tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 74% lãnh đạo DN khẳng định, đổi mới là bắt buộc và quan trọng với khả năng chống chịu của DN. Từ kết quả những cuộc khảo sát trên cho thấy, chuyển đổi số có vai trò quan trọng giúp DN tăng trưởng và phát triển mạnh hơn. Ông Vũ Tuấn Anh – chuyên gia về chuyển đổi số DN cho rằng: “Nếu không chịu chuyển đổi số, DN địa phương sẽ thua thiệt rất nhiều khi phải cạnh tranh với các thương hiệu quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, DN nhỏ trong nước sẽ bị các DN “cá mập” nước ngoài đè bẹp, dần dần sẽ chết yểu. Trong chuyển đổi số, ai chuyển đổi trước người đó sẽ làm chủ cuộc chơi và chiếm lĩnh toàn bộ sân chơi, khi đó người đi sau là mất chỗ”. Là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số ở lĩnh vực nông nghiệp, đến nay Tập đoàn Lộc Trời đã ứng dụng nhanh và gặt hái được nhiều thành công ban đầu. Ông Nguyễn Duy Thuận – Tổng Giám đốc của Tập đoàn Lộc Trời nêu quan điểm, chuyển đổi số là bắt buộc, không chuyển đổi số sẽ không triển khai được sản xuất vì Lộc Trời đang phát triển mạnh ở các địa phương khác do tổng diện tích đang hỗ trợ canh tác là trên 1 triệu ha lúa với hơn 200.000 nông dân. Năm 2020, đơn vị bắt đầu quản lý công ty bằng hệ thống quản trị tổng thể ERP. Đồng thời, trở thành đơn vị đầu tiên trong ngành nông nghiệp triển khai hệ thống ERP có tích hợp chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS tại Việt Nam. Kết quả, 3 năm liên tục, gạo của đơn vị đạt chất lượng gạo cao nhất thế giới nhưng vẫn đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm và đầy đủ thông tin. Theo ông Thuận, hiện trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ có khoảng 10% nông dân tiếp cận công nghệ số và sử dụng điện thoại thông minh. “Để có thể chuyển đổi công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, cần thiết phải áp dụng hiệu quả “Văn phòng không giấy - đồng ruộng không dấu chân - sản xuất không tiền mặt” – ông Thuận nói. Hướng đến nhân lực và chiến lược kinh doanh Liên quan đến chuyển đổi số, đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh, ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, khảo sát cho thấy, chỉ có khoảng 5 – 6% DN Việt Nam đủ năng lực hấp thụ công nghệ sản xuất hiện đại, trong khi đó công nghệ tạo tăng trưởng mới cho cả nền kinh tế. Theo thống kê, giai đoạn 2012 – 2022, đổi mới công nghệ của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 22%, trong đó có nhiều ngành đã phát triển mạnh trong đổi mới công nghệ như ngành dệt may. Tuy nhiên, để đổi mới công nghệ hiệu quả, DN cần chính sách hỗ trợ cụ thể để có thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Đó là chưa kể, nguồn nhân lực giá rẻ cũng cần phải giải quyết sớm. Đánh giá cao hiệu quả của chuyển đổi số, song nhiều DN lại có cách nhìn khác. Cụ thể, không tập trung cho công nghệ mà hướng đến con người. Ông Trương Bình Nguyên – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Skale cho rằng, nhiều người nghĩ chuyển đổi số là công nghệ đi trước. Điều này đã và đang tạo nên rào cản lớn. Theo ông Bình, chuyển đổi tư duy của người lãnh đạo mới quan trọng. Khi lãnh đạo DN có chiến lược tốt thì mọi thứ sẽ thay đổi. “Chuyển đổi số hiệu quả là khi chúng ta “nội soi” DN, sau đó có những chiến lược đúng đắn. Công nghệ hiệu quả khi chúng ta định lượng tốt giá trị nhân lực” - ông Trần Lệ Nguyên – Phó chủ tịch Tập đoàn KIDO nói. Dưới góc nhìn của DN công nghệ, bà Nguyễn Thị Linh – Giám đốc nhân sự Công ty VNTT nhìn nhận, chuyển đổi số cần hướng đến nhân lực chất lượng. Công nghệ ứng dụng phát triển rất nhanh nên rất cần nhân sự đáp ứng tốt. Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu hướng nhưng không nên thực hiện theo phong trào. Mục tiêu của việc chuyển đổi số mới thật sự quan trọng. Theo đó, đòi hỏi phải hiểu mục tiêu chuyển đổi số để làm gì, thay đổi gì trong tương lai hay cắt giảm chi phí trong sản xuất kinh doanh. Theo báo cáo kinh tế số Đông Nam Á, dự báo tới năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ chạm mốc 50 tỷ USD. Điều này càng khẳng định, chuyển đổi số đang trở thành nguồn lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|