Chính sách tài khóa giúp doanh nghiệp vượt khó khăn

Phát biểu tại Hội thảo công bố Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022, do VCCI tổ chức vào ngày 4/4, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho hay, Việt Nam bước vào năm 2022 với những tổn hại nặng nề hậu Covid-19, cộng với những biến động kinh tế thế giới khiến cho cộng đồng kinh doanh đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức…

Doanh nghiệp mong muốn chính sách pháp luật kinh doanh thông thoáng, ổn định
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hải Anh
Đây là lần thứ 5, kể từ năm 2018, VCCI công bố Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam nhằm cung cấp góc nhìn của doanh nghiệp đối với những vấn đề quy định pháp luật, qua đó gửi gắm mong muốn, kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp tới các nhà hoạch định chính sách.

Trong bối cảnh trên, ông Phạm Tấn Công nhận định, năm 2022, hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật ứng phó với những tác động từ tình hình kinh tế thế giới hợp lý và khá linh hoạt. Cụ thể, trước tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp tác động đến kinh tế trong nước, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành các chính sách để ứng phó, chẳng hạn cắt giảm các loại thuế như: thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) để kiềm chế giá xăng dầu. Các chính sách này đã góp phần giảm giá xăng dầu – nguyên liệu đầu vào quan trọng của nhiều ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế và kiềm chế lạm phát.

Doanh nghiệp mong muốn chính sách pháp luật kinh doanh thông thoáng, ổn định
Doanh nghiệp mong muốn chính sách pháp luật kinh doanh thông thoáng ổn định hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Hải Anh

Cùng với đó, các chính sách liên quan đến hỗ trợ, phục hồi sau đại dịch tiếp tục được thúc đẩy, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Điển hình, năm 2022, Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống mức 8% trong năm 2022 đối với hầu hết các mặt hàng; các chính sách giãn, hoãn thuế và các khoản tài chính phải nộp; đưa ra gói hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Các chính sách này đã hỗ trợ khá lớn cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn thách thức để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Đồng thuận quan điển nêu trên, TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực tháo gỡ rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông nguồn lực trong xã hội nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Theo đó, doanh nghiệp và người dân đã cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ.

Cần sự đồng bộ, ổn định trong hệ thống chính sách

Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022 của VCCI chỉ ra một số hạn chế như việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính năm 2022, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chưa thực chất.

Theo đó, các vấn đề về cải cách thủ tục tập trung chủ yếu ở việc bãi bỏ các tài liệu trong hồ sơ mà cơ quan cấp phép đã có hoặc tra cứu được trong hệ thống dữ liệu thông tin của cơ quan nhà nước; bổ sung phương thức điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính; chuẩn hóa các tài liệu trong hồ sơ theo hướng ban hành một số mẫu tài liệu; giảm số lượng hồ sơ phải nộp - thường rút xuống còn 1 bộ hồ sơ; giảm số thời gian giải quyết thủ tục, rút ngắn thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, thời gian thẩm định và trả kết quả.

VCCI cho rằng, những đề xuất này vẫn chưa “đủ mạnh”. Nếu xem xét trong hệ thống pháp luật kinh doanh vẫn còn khá nhiều quy định bất cập, vướng mắc, gây khó cho doanh nghiệp, nên doanh nghiệp luôn đặt dấu hỏi về tính thực chất trong các hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.

Doanh nghiệp mong muốn chính sách pháp luật kinh doanh thông thoáng, ổn định
Ông Nguyễn Quốc Hiệp- Chủ tịch VACC phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hải Anh

Tại hội hội nghị, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, mặc dù đã có nhiều cải cách nhưng còn không ít quy định chồng chéo, gây vướng mắc, gia tăng chi phí kinh doanh một cách bất hợp lý cho doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM, đưa ra nhận định, các kết quả cải cách vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Gánh nặng chính sách đối với doanh nghiệp tồn tại dưới nhiều hình thức, thể hiện qua nhiều bất cập khác nhau. Có những vấn đề kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết; thậm chí thời gian gần đây mức độ rủi ro càng tiềm ẩn lớn hơn.

Đơn cử, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, quy định về điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy chưa khoa học; chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh; áp đặt điều kiện quá mức cần thiết và làm tăng đáng kể chi phí của doanh nghiệp. Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, giấy phép phòng cháy chữa cháy và giấy phép hoàn công đã được cấp khi xây dựng nhà máy ban đầu khác biệt với quy định hiện hành, dẫn đến tăng chi phí và kéo dài thời gian cấp phép cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, các chính sách pháp luật thời gian qua còn thiếu đồng bộ. Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nêu dẫn chứng, lĩnh vực đầu tư bất động sản có khoảng 12 luật tác động trực tiếp và những luật này lại đưa ra những ý kiến không đồng nhất, khiến dự án, doanh nghiệp và cơ quan hành pháp “gặp khó” trong vấn đề thực thi.

Năm 2023, các chuyên gia nhận định nền kinh tế sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn. Vì thế, những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo môi trường chính sách an toàn cho doanh nghiệp cần được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực thực thi cần mạnh mẽ hơn.