tham tử hà nội, tham tu ha noi, thue tham tu, thuê thám tử, dịch vụ thám tử, dich vu tham tu, văn phòng thám tử, công ty thám tử,

Đừng để đi hội mang bực vào mình… 

Chia sẻ: 

07/02/2023 - 09:07:00


 

Sau 3 năm tạm dừng, giảm quy mô tổ chức các hoạt động lễ hội, mùa lễ hội 2023 được tổ chức trở lại với sự gia tăng đột biến về số lượng người dân tham gia. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, mùa lễ hội năm nay vẫn tồn tại nhiều vấn đề tiêu cực, từng gây nhức nhối trong suốt nhiều năm qua như: rải tiền lẻ, xoa tiền vào tượng, lạm dụng đốt vàng mã... 

 

Có cách nào để xóa sổ những biến tướng, hành vi trục lợi, phản cảm, trả lại đúng giá trị và ý nghĩa nhân văn của một nét đẹp văn hóa dân tộc?

Bùng nổ lễ hội sau đại dịch

Sau 3 năm ngưng trệ vì dịch COVID-19, mùa lễ hội xuân Quý Mão 2023 trở lại nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Ngày 6 tháng Giêng là ngày nhiều lễ hội truyền thống được khai mạc như lễ hội chùa Hương, lễ hội Đền Sóc, lễ hội Cổ Loa... Tại TP Uông Bí, Quảng Ninh, lễ hội xuân Yên Tử năm 2023 đã khai hội vào ngày 31/1 (mùng 10 tháng giêng). Lễ hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ) diễn ra vào ngày 12 và 13 tháng Giêng tức 2/2 đến 3/2/2023 với phần lễ được thực hiện theo nghi thức truyền thống; phần hội có nội dung tổ chức đánh Phết, diễn tả lại cảnh luyện tập võ nghệ cho quân sĩ thuở xưa của Nữ tướng Thiều Hoa. Tuy nhiên, lễ hội năm nay tiếp tục không tổ chức cướp Phết mà chỉ tổ chức phần lễ và các hoạt động văn nghệ.

Le_hoi-1675655750655.jpeg
Lễ hội cướp Phết ở Hiền Quan năm 2023 tiếp tục ngưng không tổ chức phần đánh phết hay còn gọi là cướp phết để cầu may. (Ảnh: Huy Hoàng)

Còn một số lễ hội lớn đang diễn ra như Lễ hội khai ấn Đền Trần - Nam Định, diễn ra từ ngày 1/2 đến 6/2 (từ ngày 11 đến 16 tháng giêng năm Quý Mão), từ 23 giờ 15 phút ngày 14 tháng Giêng sẽ diễn ra nghi thức khai ấn. Lễ hội chùa Hương diễn ra từ ngày 23/1 đến 23/4 (tức từ ngày mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày mùng 4 tháng Ba âm lịch). Khu vực miền Trung, miền Nam, các lễ hội, khu di tích như như đền Nưa - Am Tiên (Thanh Hóa), chùa Hương Tích (Hà Tĩnh), đền ông Hoàng Mười (Nghệ An)… cũng chật kín du khách thập phương suốt từ ngày đầu năm đến nay.

Về tổng thể lễ hội, bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VH,TT&DL) cho biết, năm nay số lượng người tham dự các lễ hội sẽ đông trở lại, song không tăng đột biến, các địa phương có thể kiểm soát được an toàn. Các địa phương đều chủ động có phương án để giãn đám đông, tránh việc chen lấn, giẫm đạp nhau. Mặc dù vẫn còn những hạn chế cần sớm khắc phục nhưng những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương đều hướng tới mục tiêu chung bảo đảm một mùa lễ hội vui tươi, lành mạnh, an toàn.

Phật không cầm tiền của chúng sinh!

Thực tế, lễ hội dịp đầu năm mới không chỉ có ý nghĩa tâm linh, hướng về nguồn cội mà còn để vui chơi, giải trí, gắn kết cộng đồng. Nhưng đúng như lời bà Hương, bên cạnh niềm vui, mùa lễ hội năm nay vẫn tồn tại nhiều hạn chế, vấn đề tiêu cực, từng gây nhức nhối trong suốt nhiều năm qua như: đánh bạc, cá cược ăn tiền núp bóng trò chơi truyền thống, xem bói, gieo quẻ, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch, ùn tắc giao thông, rải tiền lẻ, đốt vàng mã... vẫn còn xuất hiện tại không ít lễ hội, di tích.

Đơn cử như tại cụm di tích đình - chùa Bia Bà (La Khê, Hà Đông, Hà Nội), dù Ban Tổ chức liên tục bắc loa tuyên truyền, nhưng có vẻ không nhiều người quan tâm. Tiền lẻ vẫn được cài khắp nơi.

Tại khu di tích Tây Thiên, khách đi lễ muốn xe vào gần thì phải vượt qua "trận địa" của cò mồi: mồi chỗ ăn, chỗ nghỉ, chỗ sắm lễ... Tình trạng này cũng tiếp diễn tương tự tại lễ hội chùa Hương. Không những vậy, các thuyền chở du khách trên dòng suối Yến lại biến thành “chiếu bạc”. Đáng nói hoạt động trái phép này ngang nhiên diễn ra công khai, ngay tại chốn linh thiêng. Bức xúc hơn, nhiều em nhỏ thậm chí còn bị lôi kéo vào cuộc đỏ đen. Đại diện Ban quản lý khu di tích thắng cảnh này thừa nhận: “Tình trạng du khách đánh bạc năm nay vẫn diễn ra. Chúng tôi đã liên tục phát loa tuyên truyền, dán thông báo nhắc nhở người dân không đánh bài hoặc tổ chức các hình thức cờ bạc. Lực lượng công an cũng được huy động để nhắc nhở và xử lý những trường hợp cố tình vi phạm”.

Còn tại chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) cũng rất đông khách tìm đến đây để... chữa bệnh. Họ chữa bằng cách xoa dầu gió lên tượng "thần hổ", rồi xoa lên người mình. Tình trạng ném tiền, nhét tiền vào tay Phật ở chùa Bái Đính, Yên Tử, đền Nưa - Am Tiên để cầu lộc đến nay vẫn chưa thể dẹp được.

Đền ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) còn ghi nhận hiện tượng người dân mang cả xe để chở vàng mã, lễ vật cồng kềnh. Theo khảo sát, tùy vào tín chủ muốn cầu may, cần an, cầu duyên, giải hạn để sắm lễ nhiều hay ít, giá mỗi mâm lễ từ 500.000 đồng cho đến vài triệu đồng. Chỉ ngựa giấy đã có giá từ 300.000-500.000 đồng/con, tùy kích thước từ 1 đến 2m. Không ít gia đình tiêu tốn từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng mua sắm đồ lễ hóa vàng. Nhiều dịch vụ như sắp lễ thuê, đồ lưu niệm, viết sớ, khấn thuê… cũng nở rộ trong khuôn viên khu di tích. Ngoài lễ vật, người dân còn nhét thêm tiền lẻ vào mâm lễ để đưa vào đền cúng bái. Vàng mã nhiều đến mức lò đốt không kịp vì quá tải.

Đừng để đi hội mang bực vào mình… -0
Phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Văn Giá.

Nhìn vào thực trạng này, chuyên gia văn hóa PGS. TS Ngô Văn Giá phải thốt lên rằng: “Đời sống tâm linh của chúng ta đang bị thế tục hóa theo hướng thực dụng, dung tục. Những hoạt động phản cảm, mê tín dị đoan tại lễ hội vừa báng bổ thánh thần, xúc phạm tâm linh, vừa nhảm nhí, nhếch nhác”. Vị chuyên gia thậm chí còn tiết lộ, lâu nay, chính ông không còn hào hứng đi lễ hội – vốn là thú vui, nét đẹp văn hóa đầu xuân truyền thống của người Việt chỉ vì không muốn thấy lễ hội nào cũng na ná nhau, thiếu sự sáng tạo, tiêu cực tràn lan để rồi “mang bực vào mình”.

“Con người hiện đại đã đánh mất tính thiêng liêng với tín ngưỡng, tôn giáo nói chung. Nhắc đến lễ hội, đi lễ hội, người ta không còn thấy thiêng liêng nữa. Đó là khi người ta ngày càng thực dụng, đi lễ không phải là để vãn cảnh, sửa sang tâm linh, hướng tới sống thiện mà chỉ để xin - cho, cầu phát tài phát lộc.

Vì cầu lợi cho bản thân là chính, cho nên khi đến cầu cúng, nhiều người dâng “mâm cao cỗ đầy”, quá nhiều vàng mã, xa hoa lãng phí... nhưng vẫn không khiến tâm thanh thản. Điều này xuất phát từ quan điểm càng dâng cỗ, dâng lễ to thì càng được hưởng nhiều lộc, nhưng thực tế, điều này không phải là ý nghĩa gốc rễ tâm linh. Gần đây, tôi có theo dõi hình ảnh người mặc hở hang biểu diễn múa trong Lễ khai hội chùa Hương. Họ thậm chí còn mời ca sĩ thế tục đến hát. Đây là một hành động nhảm nhí tại chốn linh thiêng như chùa chiền.

Điều này cho thấy sự sự sáng tạo nghi thức chùa chiền, cụ thể là âm nhạc Phật giáo ở Việt Nam vẫn còn nghèo nàn. Trong khi đó nhiều tôn giáo khác có rất nhiều tác phẩm âm nhạc chất lượng. Lễ hội mà hát những giai điệu của nhà Phật có phải hay và ý nghĩa hơn không(!)”, ông Giá bày tỏ.

Đồng quan điểm, hòa thượng Thích Thanh Quyết - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng: “Thật phản cảm khi một bộ phận người dân có hành vi nhét tiền vào tượng Phật, ban thờ. Tôi trông thấy rất phản cảm, Phật là bậc cao siêu rồi, đang ngồi thiền rất uy nghiêm, khép chặt tay rồi nhưng người dân vẫn cố nhét tiền vào khe. Nếu ai đó chụp ảnh lại thì lại thành Phật cầm tiền của chúng sinh?”.

Theo ông Giá, nguyên nhân dẫn đến suy nghĩ lệch lạc này xuất phát từ sự u mê, a dua, dẫn đến nhận thức sai lầm của người cầu cúng. Bản thân những người làm công tác quản lý, tổ chức tại các lễ hội cũng không phân định tỏ tường đúng sai, thậm chí còn có thể có cả sự tiêu cực, dung túng, cổ súy cho những nhận thức chưa đúng của người dân. Ở góc độ quản lý của cơ quan chức năng vẫn chưa thật sự sát sao, đồng bộ.

Cần trả lại giá trị, ý nghĩa nhân văn của lễ hội truyền thống

Đừng để đi hội mang bực vào mình… -0
Tiết mục văn nghệ có vũ công ăn mặc hở hang gây tranh cãi trong Lễ khai hội chùa Hương năm 2023.

Từ đầu mùa lễ hội, Bộ VH,TT&DL đã có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường các biện pháp đảm bảo công tác quản lý, tổ chức lễ hội an toàn. Từng là lễ hội gây nhiều tranh cãi trong những năm qua bởi hình ảnh phản cảm nhưng đến năm nay, lễ hội chém lợn (làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh) diễn ra trong ngày 5 và 6 tháng Giêng với nghi thức chém lợn trong phòng kín. Lễ hội đền Sóc (thờ Thánh Gióng, tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội) năm nay được tổ chức theo đúng như kịch bản, quy trình như đã cam kết với UNESCO, không còn hiện tượng cướp lộc tre, chen lấn, ẩu đả để tranh lộc.

Theo bà Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương, Cục đã đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo, có phương án xử lý kịp thời những tình huống phát sinh trong lễ hội, quy định chặt chẽ trách nhiệm đối với người tham gia các hoạt động lễ hội có tính chất nhạy cảm, có biện pháp xử lý kịp thời trường hợp xảy ra ẩu đả, mất an ninh trật tự. Đồng thời, Cục này yêu cầu tăng cường các giải pháp về thanh tra, kiểm tra trước và sau lễ hội. Khi có hiện tượng đó xảy ra, địa phương phải yêu cầu dừng việc tổ chức, ổn định trật tự mới được tiếp tục.

Thực tế thì năm nào cơ quan quản lý trung ương và chính quyền các địa phương cũng có chỉ đạo về tổ chức lễ hội văn minh, lành mạnh nhưng tình trạng tiêu cực, phản văn hóa vẫn diễn ra. Do đó, PGS.TS Ngô Văn Giá cho rằng, việc xử lý các vi phạm, các vấn đề phát sinh, biến tướng từ lễ hội chỉ mới là giải quyết phần ngọn.

“Tôi nghĩ, để giải quyết được triệt để các hiện tượng nói trên, phải cần một quá trình và sự góp sức đồng bộ từ nhiều phía. Người dân nên cư xử văn minh mỗi khi đi lễ chùa, như ăn mặc kín đáo, lịch sự, ứng xử chuẩn mực, không chen lấn, xô đẩy. Người hành hương nên lấy tiêu chí - thước đo quan trọng nhất, là sự thành tâm, hướng thiện, thay cho lễ vật.

Với các cơ sở quản lý đền chùa, di tích cần có hành động nhắc nhở, hướng dẫn thực hành tâm linh cho người dân thông qua nhiều hình thức như: phát tờ rơi miễn phí tại các cửa vào, thông qua loa phát thanh... Thậm chí có thể đề xuất xử phạt đối với những người thực hiện sai quy định. Phải cho người dân biết chúng ta đến lễ hội đó là đến với cái giá trị gì, chúng ta phải thực hành lễ lạt ra sao, ứng xử như thế nào khi đến các lễ hội tâm linh.

Ở góc độ quản lý nhà nước, cần tăng cường đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm việc quản lý và tổ chức lễ hội của từng ngành, địa phương, cơ sở theo đúng quy định của pháp luật, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có ý nghĩa giáo dục cao; đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần lành mạnh của nhân dân. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục đối với công chúng, đặc biệt với thế hệ trẻ cũng cần được chú trọng”, vị chuyên gia nhận định.

Ý kiến bạn đọc
captcha
công ty cổ phần phát triển đô thị kỷ niệm ngày sinh đồng chí nguyễn lương bằng Cổng thông tin tỉnh hải dương cổng thông tin hội đồng nhân dân

Lịch phát sóng

Radio online
Giá vàng JSC
Khu vực Mua vào Bán ra
Ngoại tệ
Mã NT Mua TM Mua CK Bán
USD 23.00 23.00 23.00
SGD 17.00 17.00 17.00
JPY 159.90 161.52 169.28
GBP 29.00 29.00 30.00
EUR 25.00 25.00 26.00
CAD 17.00 17.00 17.00
AUD 15.00 15.00 15.00

Thông tin thời tiết

Dự báo thời tiết Hải Dương

Hôm nay, 29/03/2024

°C -°C

°C -°C

°C -°C
Theo TTKTTV