Ngày 25-3, Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Vietnam) phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức sự kiện Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam (Vietnam Retail Banking Forum).

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA, cho biết đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các ngân hàng thương mại phải triển khai nhanh quá trình chuyển đổi số để thích ứng. Các ngân hàng đã có nhiều chính sách, giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên nền tảng số như phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại từ Mobile banking, Internet banking, QR code, sử dụng công nghệ định danh điện tử (eKYC)… giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận, dễ sử dụng ở mọi nơi, mọi lúc, hạn chế tiếp xúc.

Thống kê cho thấy trong năm 2021, tỉ trọng cho vay bán lẻ của nhóm ngân hàng quy mô vừa và lớn chiếm 40% - 50%, đặc biệt có ngân hàng lên đến gần 90%. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đạt mức tăng trưởng cao qua kênh Internet tăng 48,8% về số lượng và 32,6% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 76,2% và 87,5%; thanh toán qua Qrcode tăng trưởng lên đến 200% so với năm trước.

Giao dịch rút tiền mặt tại các máy ATM giảm mạnh - Ảnh 1.

Khách hàng trải nghiệm dịch vụ tại gian hàng của Agribank trong khuôn khổ Diễn đàn ngân hàng bán lẻ

Đáng lưu ý, tỉ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng các giao dịch xử lý qua hệ thống của NAPAS giảm mạnh từ 26% năm 2020 xuống còn 12%.

"Với gần 50% dân số sử dụng thương mại điện tử, đặc biệt là thế hệ trẻ với hành vi tiêu dùng mới, tỉ lệ lớn người dân chưa được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, tiềm năng thị trường cho ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam là rất lớn" – ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Như chỉ riêng trong lĩnh vực ví điện tử, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017-2021 đã tăng tới 80,43% về số lượng và 71,86% về giá trị.

 

Ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho biết chỉ sau một thời gian ngắn 3 nhà mạng gồm VNPT, Mobifone và Viettel triển khai dịch vụ Mobile Money, đến nay đã có gần 1 triệu tài khoản mở mới để sử dụng dịch vụ này. Đồng thời, có khoảng 3,37 triệu tài khoản thanh toán của các ngân hàng được mở bằng phương thức định danh điện tử (eKYC) đang hoạt động.

Dù vậy, vẫn có những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển phân khúc ngân hàng bán lẻ.

Như tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), ông Linh Đức Hoàng, Trưởng ban khách hàng cá nhân, cho hay thời gian qua Agribank đã phát triển phân khúc ngân hàng bán lẻ với gần 20 triệu khách hàng có tài khoản tiền gửi thanh toán, gần 17 triệu khách hàng sử dụng thẻ ATM, gần 15 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ thanh toán qua kênh Agribank E-Mobile Banking, Internet Banking, SMS Banking…

Số lượng khách hàng là hộ gia đình, cá nhân ở khu vực nông nghiệp nông thôn chiếm tỉ lệ gần 80% trên tổng số khách hàng của Agribank. Đây là đối tượng khách hàng truyền thống trong huy động vốn và đầu tư tín dụng, đồng thời là khách hàng tiềm năng để phát triển dịch vụ thanh toán qua kênh điện tử. Tuy nhiên, vẫn còn tâm lý ngại chuyển đổi của người dân khi tiếp cận với các hình thức thanh toán hiện đại, sự lo ngại về an ninh an toàn khi sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến…

"Tội phạm công nghệ cao ngày càng tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi, lợi dụng thông tin của khách hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo, gian lận trên tài khoản của khách hàng nên không ít khách hàng còn e ngại khi thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử" - ông Linh Đức Hoàng nói.

Thực tế vẫn nỗi lo bảo mật, an toàn trong thanh toán điện tử cũng được TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, đề cập tại diễn đàn bởi chưa bao giờ vấn đề an ninh mạng, tội phạm tài chính tăng nhanh và nhiều như thời gian qua. Xu hướng này đòi hỏi các ngân hàng cần tăng cường biện pháp bảo mật, an toàn để tạo sự yên tâm cho người dùng.