Hình ảnh chị lao công trong bài thơ Tiếng chổi tre của Tố Hữu

Nhà thơ Tố Hữu. Ảnh internet

Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành (1920 – 2002), sinh tại tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, quê gốc ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông sinh ra trong gia đình nho học, mẹ ông thuộc nhiều ca dao, tục ngữ; có lẽ vì vậy mà trong thơ Tố Hữu luôn có dáng dấp của ca dao tục ngữ. Tố Hữu sớm tham gia cách mạng, cũng như sử dụng tài năng nghệ thuật của mình để phục vụ cho cách mạng.

Sự nghiệp thơ ca của ông được nhiều người đánh giá cao. Có người coi ông là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng và kháng chiến, nhà thơ của cách mạng”, “nhà thơ của nhân dân”, “ngọn cờ chiến đấu của thơ ca cách mạng Việt Nam”…

Tố Hữu có nhiều bài thơ nổi tiếng, được nhiều người biết đến, trong đó có bài Tiếng chổi tre:

Những đêm hè
Khi ve ve
Đã ngủ
Tôi lắng nghe
Trên đường Trần Phú
Tiếng chổi tre
Xao xác
Hàng me
Tiếng chổi tre
Đêm hè
Quét rác…

 

Những đêm đông
Khi cơn giông
Vừa tắt
Tôi đứng trông
Trên đường lặng ngắt
Chị lao công
Như sắt
Như đồng
Chị lao công
Đêm đông
Quét rác…

Sáng mai ra
Gánh hàng hoa
Xuống chợ
Hoa Ngọc Hà
Trên đường rực nở
Hương bay xa
Thơm ngát
Đường ta
Nhớ nghe hoa
Người quét rác
Đêm qua.

 

Nhớ em nghe
Tiếng chổi tre
Chị quét
Những đêm hè
Đêm đông gió rét
Tiếng chổi tre
Sớm tối
Đi về
Giữ sạch lề
Đẹp lối
Em nghe!

Bài thơ thể hiện sự cảm thương, nể phục của tác giả đối với chị lao công. Câu ngắn nhất của bài là hai từ, câu dài nhất là bốn từ. Bài thơ viết về khoảng thời gian hai mùa, mùa hè và mùa đông. Hai mùa này có thể được coi là hai mùa làm cho người lao công cực nhọc, vất vả hơn trong công việc.

Hình ảnh chị lao công trong bài thơ Tiếng chổi tre của Tố Hữu

Hình ảnh chị lao công hiện lên trong bài thơ Tiếng chổi tre thật đẹp. Ảnh internet

Mùa hè thì nóng nực. Mà công việc lao công thì phải luôn tay chân, đổ mồ hôi, do đó càng khó chịu hơn. Nếu như không yêu nghề, thì rất dễ bỏ nghề. Đêm hè, khi ve đã ngủ, chị lao công vẫn còn thức làm việc. Đêm hè, mọi sự đã im bặt, nhưng tiếng chổi tre vẫn còn xao xác.

Mùa đông thì lạnh buốt, lạnh thấu xương da, ai cũng muốn ngồi bên bếp lửa hơ tay, hay được trùm chăn kín đầu, ở trong căn nhà ấm áp mà gió lạnh không lùa vào được; nhưng với chị lao công thì phải làm việc ngoài đường, đó là chưa nói những ngày mưa dông, sấm chớp. Chị phải như sắt như đồng mà bài thơ miêu tả thì mới chịu được giá lạnh trong đêm đông.

Lao công, một công việc vất vả, khó nhọc. Người lao công ở phố, hàng ngày, hàng đêm phải có mặt trên những con đường xe cộ qua lại, khói bụi độc hại, vì vậy, chỉ có yêu nghề, chỉ có luôn ở trong tâm trạng muốn giữ sạch sẽ cho lề đường, hè phố, và lấy đó làm niềm vui, thì mới làm được công việc cực nhọc này.

Xã hội càng hiện đại, thì dường như công việc của người lao công càng vất vả hơn. Họ đối mặt với nhiều hiểm nguy, trong đó có vấn đề tai nạn giao thông. Và nhất là hàng ngày phải tiếp xúc với những túi rác, nhất là những túi rác bẩn, độc hại. Họ phải trực tiếp chạm vào, phải xử lý chúng đưa đến nơi chứa rác.

Bài thơ Tiếng chổi tre như là một bức hoạ bằng thơ vẽ lại hình ảnh và công việc của chị lao công, cũng như là những lời ngợi ca về nghề lao công. Và đến nay, có lẽ bài Tiếng chổi tre là bài thơ hay nhất khi viết về người lao công.

Với bài Tiếng chổi tre, Tố Hữu đã cho thấy tài nhiều giọng điệu, nhiều cách viết của mình. Ông để lại cho đời nhiều bài thơ giá trị, có những bài thơ như là niềm khích lệ tinh thần một thời cho nhân dân cả nước trong công cuộc chống giặc ngoại xâm. Tố Hữu được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.