Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã tạm thời ngưng công bố số ca mắc Covid-19 mỗi ngày. Trước đó, Bộ Y tế cũng xin ý kiến Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đối với việc tạm dừng thông báo số ca mắc Covid-19 mới.

Nhiều người mắc Covid-19 không khai báo

Giải thích về nguyên nhân ngưng công bố ca mắc mới, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho rằng số ca nhiễm dù tăng mạnh nhưng chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh hiện nay. Thực tế, nhiều người nhiễm Covid-19 nhưng không khai báo dẫn đến số liệu không chính xác.

"Khi con số đã không chính xác, không đánh giá đúng tình hình thực tế dịch bệnh thì việc ngưng công bố ca mắc là hợp lý. Hơn nữa, hầu hết ca mắc hiện nay có biểu hiện nhẹ do đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19" - bác sĩ Chín lý giải.

Theo bác sĩ Chín, trước đó, Bình Dương cũng đã đề xuất tạm ngưng đếm số ca mắc Covid-19 mỗi ngày nhưng Bộ Y tế chưa đồng ý. Vì vậy, hiện ngành y tế và bộ phận chống dịch ở Bình Dương vẫn theo dõi sát các số liệu liên quan dịch bệnh, nhất là số ca mắc Covid-19 mỗi ngày.

Bác sĩ Chín cho biết dù không công bố số ca mắc mới nhưng hằng ngày, ngành y tế Bình Dương vẫn báo cáo nội bộ và ưu tiên công bố những ca tử vong, ca nhập viện điều trị tầng 1, tầng 2; ca thở máy. "Mỗi ngày, chúng tôi vẫn báo cáo số ca mắc Covid-19 với Bộ Y tế. Còn việc công bố trên cổng thông tin điện tử của Bình Dương, tỉnh vẫn đang xin ý kiến để bỏ vì thấy không cần thiết" - bác sĩ Chín cho hay.

Không thể dừng đếm ca F0! - Ảnh 1.

Bình Dương đặt mục tiêu đến cuối tháng 3-2022 sẽ hoàn thành tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 cho người dân Ảnh: THẢO NGUYỄN

Nên công khai những thông tin liên quan

Không riêng Bình Dương, nhiều ý kiến cho rằng số ca Covid-19 được công bố mỗi ngày hiện nay chưa phản ánh đúng thực tế. Bởi lẽ, dịch đã lây lan mạnh trong cộng đồng, rất nhiều người dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không khai báo hoặc không thể khai báo. Thậm chí, có những trường hợp không biết bản thân là F0. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc thống kê số ca Covid-19 hằng ngày là không cần thiết nữa.

Tuy nhiên, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng - Bộ Y tế, nhấn mạnh "đếm ca" chỉ là một trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch. "Chúng ta cũng không nên dùng từ "đếm" mà nên gọi là giám sát ca bệnh. Việc giám sát bệnh Covid-19 sắp tới có thể được thực hiện giống như bệnh cúm, đó là giám sát ở những khu vực trọng điểm" - ông cho biết.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, với dịch Covid-19, thống kê số ca mắc vẫn đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh, giúp đánh giá quy mô, cấp độ và dự báo chiều hướng, mức độ phát triển của dịch bệnh để đưa ra các biện pháp phòng chống phù hợp. Khi ca mắc nhiều, số ca chuyển nặng sẽ tăng lên và khi quá nhiều sẽ trực tiếp gây áp lực lên hệ thống y tế. Do vậy, ông cho rằng các địa phương vẫn cần thống kê và báo cáo hằng ngày về số ca mắc mới Covid-19 với Bộ Y tế.

"Việc thống kê ca bệnh sẽ giúp các địa phương có giải pháp chống dịch phù hợp cũng như có các dự báo để cảnh báo người dân. Ngành y tế vẫn phải nắm số ca mắc mới, từ đó mới đánh giá được xu thế của dịch, thậm chí khi cần thiết phải giải trình tự gien để biết được sự biến chủng của virus. Khi chống dịch, phải biết thực trạng số ca mắc như thế nào, dù con số đó là xét nghiệm toàn bộ hay là giám sát điểm rồi dự báo" - ông Trần Đắc Phu phân tích.

Cho rằng tạm dừng việc thông báo số nhiễm SARS-CoV-2 hằng ngày là đề xuất hợp lý nhưng PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, nhấn mạnh bộ đề xuất dừng công bố hằng ngày không có nghĩa là bỏ hẳn việc thống kê ca bệnh. Ngành y tế vẫn theo dõi trên hệ thống, lấy những thông tin đó để đánh giá về mặt chuyên môn, dịch tễ học, dự báo, từ đó đưa ra các biện pháp phòng chống dịch.

"Số ca mắc trong cộng đồng có thể rất cao và con số công bố chính thức chỉ là phần nổi của tảng băng. Do vậy, chúng ta xác định sống chung với dịch và tập trung chăm sóc y tế cho những người bệnh có triệu chứng hoặc diễn biến nặng" - ông Nga đánh giá.

Theo ông Nga, dù không công bố ca Covid-19 hằng ngày, Bộ Y tế vẫn nên công khai thông tin về số ca bệnh phải nhập viện, diễn tiến nặng, tử vong; các bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 có quá tải hay không; dịch đang phức tạp tại địa phương nào… 

Ngày 24-3, cả nước ghi nhận 120.000 ca mắc Covid-19, giảm 7.886 ca so với ngày trước đó.

Bình Dương tiêm vắc-xin mũi 3 xuyên đêm

Bình Dương hiện có trên 33.000 bệnh nhân đang điều trị Covid-19. Trong đó, tại cơ sở điều trị là 451 bệnh nhân (tầng 1: 130, tầng 2: 280, tầng 3: 41 người).

Địa phương này cũng đang tăng tốc phủ vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 cho người dân bằng việc tổ chức tiêm xuyên đêm cho người lao động ở trọ và đến tận nhà người già, người khuyết tật để tiêm. Dự kiến đến hết tháng 3, tỉnh sẽ hoàn thành việc tiêm mũi 3 và xúc tiến việc tiêm vắc-xin cho trẻ 5-11 tuổi.

NGỌC DUNG - THẢO NGUYỄN