Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương chủ trì hội nghị - Ảnh: Minh Chính

Ngày 13/01, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương dự và chỉ đạo hội nghị.

Tham dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ban Kinh tế Trung ương.

Triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Năm 2021, với vai trò là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; hoạch định các chủ trương, giải pháp lớn, quan trọng về kinh tế-xã hội, Ban Kinh tế Trung ương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ công tác theo kế hoạch đề ra, đặc biệt là các nhiệm vụ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Năm 2021, Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thành ba đề án trình Bộ Chính trị. Đó là Đề án “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Đề án "Tổng kết thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020"; Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hoà đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Đặc biệt, trước yêu cầu bức thiết của các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương về việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Ban Kinh tế Trung ương được giao là cơ quan Thường trực xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" (Nghị quyết 19-NQ/TW). Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập đã tập trung cao độ, huy động cao nhất sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế để đánh giá khách quan về những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW. Trên cơ sở đó, đề xuất những chủ trương, chính sách quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả, phục vụ phát triển bền vững đất nước trong thời gian tới.

Trong năm 2021, Ban Kinh tế Trung ương được giao tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các Đề án "Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn"; Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Đề án "Tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20/01/2003 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 - 2010 và Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011-2020".

Cũng trong năm 2021, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động tổ chức nghiên cứu các nội dung, đề án, báo cáo liên quan đến kinh tế - xã hội phục vụ công tác tham mưu, đề xuất; có 191 lượt phối hợp thẩm định, tham gia ý kiến đối với các đề án, dự án, báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và gửi Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, trong đó có 69 lượt thẩm định, tham gia ý kiến về các đề án, báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, 122 lượt tham gia ý kiến với các ban, bộ, ngành, địa phương về các đề án, dự án, báo cáo, văn bản quy phạm pháp luật.

Các đại biểu tham dự hội nghị  - Ảnh: Minh Chính

Các ý kiến thẩm định, góp ý luôn thể hiện quan điểm rõ ràng, thẳng thắn và với tinh thần trách nhiệm cao, góp phần giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế, xã hội quan trọng của đất nước và các cơ quan chức năng tổng kết, đánh giá việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.

Bên cạnh đó, trong năm 2021, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, tham mưu công tác phổ biến, tuyên truyền, quán triệt triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng dưới nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với công tác phòng chống dịch bệnh như: Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong kỷ nguyên số”. Ban đã chủ trì, phối hợp tổ chức hơn 60 cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm phục vụ công tác chuyên môn của Ban, điển hình là phối hợp hiệu quả với Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam tổ chức thành công Diễn đàn kinh tế Việt Nam với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững"…

Tăng cường tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lãnh đạo, chỉ đạo các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế

 Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, năm 2021, trong điều kiện công tác rất khó khăn, đặc biệt là từ sau đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư tác động không nhỏ, nhưng Ban Kinh tế Trung ương đã nỗ lực cố gắng để khắc phục khó khăn, triển khai linh hoạt các hoạt động thông qua nhiều hình thức, qua đó bảo đảm tiến độ các nhiệm vụ và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh ghi nhận và biểu dương tập thể cán bộ, công chức và người lao động của Ban đã bám sát thực tiễn, củng cố mối quan hệ chặt chẽ với các địa phương, bộ, ngành, đặc biệt là thông qua việc tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từ đó đề xuất, kiến nghị các chủ trương, chính sách lớn phục vụ công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Minh Chính

Nhấn mạnh đến nhiệm vụ năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, đồng chí Trần Anh Tuấn đề nghị Ban Kinh tế Trung ương cần tiếp tục nỗ lực để cùng cả hệ thống chính trị cụ thể hóa các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; tăng cường công tác tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế thế giới, khu vực nói chung và nước ta nói riêng được dự báo sẽ còn có những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Đặc biệt, trong năm 2022, Ban Kinh tế Trung ương sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương ba đề án quan trọng là: Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" (trình Hội nghị Trung ương 5 - tháng 5/2022); Đề án "Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" (trình Hội nghị Trung ương 5 - tháng 5/2022); Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (trình Hội nghị Trung ương 6 - tháng 10/2022).

Ngoài ra, một số đề án sẽ được trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư gồm: Đề án "Tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20/1/2003 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 - 2010; Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011 - 2020" (trình vào đầu năm 2022)…

“Với khối lượng công việc lớn, đề nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt là các vụ chuyên môn tăng cường nắm bắt thông tin, kịp thời phát hiện những vấn đề mới, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế để giúp lãnh đạo Ban trong công tác tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Anh Tuấn nêu rõ.

Bên cạnh đó, đồng chí Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục nghiên cứu, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế - xã hội, trọng tâm là các nghị quyết, kết luận do Ban Kinh tế Trung ương tham mưu trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành; tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ, tổ chức, bộ máy, kiện toàn cấp ủy Đảng của Ban đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ; huy động, sử dụng có hiệu quả đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên và nghiên cứu, thực hiện chế độ cán bộ biệt phái để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của Ban. Tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác chính trị, tư tưởng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Đẩy mạnh các hoạt động đoàn thể bằng những hình thức phù hợp, tạo không khí phấn khởi, đầm ấm, củng cố khối đoàn kết trong nội bộ, qua đó góp phần giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ vụ đột xuất cũng như những nhiệm vụ mang tính chiến lược…/.