tham tử hà nội, tham tu ha noi, thue tham tu, thuê thám tử, dịch vụ thám tử, dich vu tham tu, văn phòng thám tử, công ty thám tử,

Mối quan hệ giữa 'Đại chúng hóa' và 'Văn hóa đại chúng'

Chia sẻ: 

08/03/2023 - 09:01:00


'Đại chúng hóa' như một phương châm vận động văn hóa và 'Văn hóa đại chúng' tuy chung cụm từ 'đại chúng' nhưng khác nhau về nguyên tắc vận hành.

Bản 'Đề cương về văn hóa Việt Nam'. Ảnh minh họa: ITN.
Bản 'Đề cương về văn hóa Việt Nam'. Ảnh minh họa: ITN.

Bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư - soạn thảo được Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương thông qua tháng 2/1943, đăng toàn văn trên tạp chí Tiên Phong số 1 (Cơ quan vận động Văn hóa Mới thuộc Văn hóa Cứu quốc Việt Nam xuất bản) ra ngày 10/11/1945.

Tám mươi năm (1943 - 2023), ánh sáng dẫn đường của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” vẫn phát tỏa những giá trị cốt tủy từ phương diện lý luận và thực tiễn - theo quan điểm Mác-xít, về vai trò của văn hóa trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và kiến quốc thời đại Hồ Chí Minh.

Nguyên tắc “Đại chúng hóa”

“Đề cương về văn hóa Việt Nam” 1943 đề ra ba nguyên tắc vận động văn hóa mới: Dân tộc hóa - Đại chúng hóa - Khoa học hóa. Thứ tự các nguyên tắc không phải được sắp xếp ngẫu nhiên, mà là chủ đích, có tính chiến lược, thể hiện tầm nhìn tương lai của một CƯƠNG LĨNH - LUẬN CƯƠNG VĂN HÓA, biểu thị vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cần thiết phải “ôn” lại không khí lịch sử - văn hóa - văn học từ sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ II bùng nổ (1939 - 1945), sau sự kiện Nguyễn Ái Quốc lênh đênh bốn biển 30 năm trời (1911 - 1941) tìm đường cứu nước, trở về Tổ quốc lãnh đạo cách mạng Việt Nam; sự ra đời của Mặt trận Việt Minh, phong trào cách mạng trong nước có nhiều biến chuyển mạnh mẽ và khả quan.

Văn học công khai trên văn đàn vào những năm 1940 - 1945, nếu không nói là khủng hoảng thì cũng rơi vào tình trạng “bối rối” do ảnh hưởng của thời cuộc, đâu đó có những “tiếng thở dài”, những “vô nghĩa”, “khổ đau”, “cô độc”, rút vào “tháp ngà”, hoặc “hướng thượng”, thậm chí tìm đến “say” để quên thời cuộc nhiễu nhương; tích cực hơn thì trốn (trú ngụ) vào thiên nhiên.

Văn hóa, văn học cần một sự quật khởi, vùng lên để phục hưng tinh thần dân tộc vốn giàu có truyền thống “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa” (Huy Cận). Nhà văn Nguyễn Minh Châu có một ý tưởng sâu sắc “Đi hết dân tộc chúng ta sẽ gặp nhân loại” (“Di cảo”).

Thực tiễn đã chứng minh sức thuyết phục của ba nguyên tắc vận động văn hóa trong bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” 1943 của Đảng mang tính khai phóng, như cách chúng ta gọi là “kim chỉ nam” hoạt động văn hóa, văn học.

Ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh một vấn đề: Vì sao các nhà văn theo khuynh hướng sáng tác hiện thực chủ nghĩa trước 1945 lại nhạy cảm hơn với diễn biến thời cuộc “một ngày bằng hai mươi năm”, đến với cách mạng sớm hơn so với các nhà văn theo khuynh hướng sáng tác?

Không khó giải thích hiện trạng này nếu chúng ta thống nhất nhận định: Các nhà văn hiện thực, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, có nhiều cơ hội gần gũi nhân dân lao động nghèo khổ hơn nên dễ chia sẻ những nỗi thống khổ, lầm than của đồng loại cùng cảnh ngộ của những người “áo ngắn”.

Có thể là một kết quả tất yếu khi nhà văn gần gũi và cảm thông với nhân dân lao động nghèo khổ thì lòng yêu nước cũng dễ dàng bắt rễ từ đó. Lòng yêu nước như một lò lửa, một đôi cánh nâng tinh thần dân tộc bay lên trong thời đại bão tố cách mạng với ý nhĩa như là “Ngày hội của quần chúng” (V. Lênin).

Thực tiễn văn học đã chứng minh: Tác phẩm của các nhà văn hiện thực dễ đến với người lao động hơn tác phẩm của các nhà văn lãng mạn. Đó là một thực tế khách quan không thể không công nhận.

Tuy nhiên, cũng cần phân biệt rõ “đại chúng hóa” (hiểu là một nguyên tắc vận động văn hóa) trong bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” 1943 với khái niệm “văn hóa đại chúng” đang dùng để chỉ một thực thể văn hóa (hiểu là quy luật điều tiết của cơ chế thị trường, khi tác phẩm văn học nghệ thuật cũng là một thứ hàng hóa) đang là một xu hướng hấp dẫn số đông công chúng nghệ thuật hiện nay (chú trọng và quan tâm đến chức năng giải trí).

Khi hiểu “Đại chúng hóa” là một “nguyên tắc vận động văn hóa” thì nội hàm của nó gắn với phạm trù chính trị - văn hóa. Lê-nin viết: “Cách mạng là ngày hội của quần chúng” thì đồng thời có thể hiểu văn hóa là ngày hội của quần chúng. Giải phóng một dân tộc cũng có nghĩa là giải phóng văn hóa khỏi sự nô lệ một nền văn hóa khác.

Đại chúng hóa vì thế là chiến lược của Đảng đề cao “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Hồ Chí Minh - “Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951”). Trong tác phẩm “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” (1948), đồng chí Trường Chinh giải thích rõ: “Đối tượng sáng tác văn nghệ của ta là nhân dân.

Sáng tác cái gì cũng nên tự hỏi: Ta sáng tác cho ai thưởng thức, cho ai xem? Nếu ta nhận rằng sáng tác cho nhân dân xem, thì cần nhận rõ nhân dân là ai, gồm những hạng người nào, trình độ hiện tại ra sao, nguyện vọng như thế nào?... Có như thế tác phẩm của ta mới thiết thực, bổ ích.

Chính vì không tự hỏi như thế, cho nên nhiều tác phẩm đã thành một thứ bánh bích quy đắt tiền đặt bên cạnh quần chúng ăn đói. Cần chống lại bệnh chủ quan trong sáng tác, lấy trình độ và tình cảm của mình làm của người.

Hiểu rõ trình độ của nhân dân không phải để hạ thấp nghệ thuật của mình ngang với trình độ thấp nhất của hạng người i tờ về văn hóa trong nhân dân, mà chính là để lấy trình độ trung bình của số đông nhân dân làm tiêu chuẩn, đồng thời không quên dùng tác phẩm của mình đưa trình độ của nhân dân lên mức cao hơn” (theo sách “Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học, 1945 - 1954, hồi ức - kỷ niệm, NXB Khoa học xã hôi, 1995, tr.18).

Cũng từ quan điểm chỉ đạo này, các văn nghệ sĩ tham gia văn nghệ kháng chiến đều tự nguyện thực hành phương châm “Sống đã rồi mới viết” với tinh thần “Kháng chiến hóa văn hóa. Văn hóa hóa kháng chiến”. Văn nghệ sĩ đầu quân là một phong trào có tính văn hóa trong kháng chiến chống Pháp; trong thời kỳ 1955 - 1975, văn nghệ sĩ thực hành phương châm sáng tác “Đi về nơi tiên tiến. Viết về con người tiên tiến”.

Thi sĩ Xuân Diệu đã viết về sự chuyển biến quan trọng của mình từ thế giới của cải “Tôi” lừng lững đến cái “Ta” vĩ đại: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao” (“Những đêm hành quân”, 1966).

Mối quan hệ giữa 'Đại chúng hóa' và 'Văn hóa đại chúng' ảnh 1

Văn hóa Việt Nam đang đặt chân vào địa hạt văn hóa đại chúng như một tất yếu. Ảnh minh họa: Bình Thanh.

Quan niệm “Văn hóa đại chúng”

“Đại chúng hóa” như một phương châm vận động văn hóa và “Văn hóa đại chúng” tuy cùng chung cụm từ “đại chúng” nhưng khác nhau về nguyên tắc vận hành. Một bên hướng tới nhân dân như một đối tượng phản ánh và phục vụ, một bên hướng tới số đông người tiêu dùng với tư cách “khách hàng là thượng đế”.

Sự ra đời, phát triển và bùng nổ của “Văn hóa đại chúng” (popular culture) trên phạm vi thế giới là một tất yếu lịch sử. Văn hóa đại chúng được xây dựng trên nền tảng quy luật điều tiết của thị trường văn hóa.

Có một so sánh thú vị (song chưa hẳn thuyết phục về khoa học): Sản phẩm nghệ thuật từ cổ chí kim trải qua ba hình thái: Vật tế lễ (thời cổ đại), quà tặng (thời trung đại), hàng hóa (thời tư bản chủ nghĩa).

Kinh tế Việt Nam hiện nay nằm trong phạm trù “Thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa”. Từ đó cho thấy đặc điểm của văn học đại chúng nằm trong văn hóa đại chúng, ở Việt Nam tuy có căn rễ từ đầu thế kỷ XX, nhưng phải đến những năm đầu thế kỷ XXI thì mới thực sự có “thung thổ” phù hợp, mới đơm hoa kết quả.

Các nhà nghiên cứu văn hóa đã đưa ra một định nghĩa thú vị, xác tín về văn hóa đại chúng là “nghệ thuật của đời sống thường nhật”. Từ đó, văn hóa đại chúng được hiểu tối giản là: Những sản phẩm văn hóa, theo cách hiểu mở rộng nhất bao gồm các tác phẩm nghệ thuật, hàng tiêu dùng và nghệ thuật ẩm thực được tạo nên trên nền tảng thương mại, hướng tới phục vụ nhu cầu tiêu dùng của đông đảo dân chúng không phân biệt địa vị xã hội, giới tính, quốc tịch, tuổi tác.

Thậm chí có nhiều nhà lạc quan chủ nghĩa theo trường phái “vị lai” còn cho rằng trong tương lai văn hóa đại chúng sẽ lĩnh sứ mệnh kiến tạo, chuẩn bị cho sự ra đời một “Văn hóa toàn cầu ở cấp độ lý tưởng”.

Các điều kiện để văn hóa đại chúng phát triển bao gồm: Quá trình đô thị hóa, kinh tế thị trường và thị trường văn hóa, công nghệ phát triển, truyền thông và Internet, công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa.

Xét những điều kiện cần và đủ trên, sẽ thấy văn hóa Việt Nam đang đặt chân vào địa hạt văn hóa đại chúng như một tất yếu. Vấn đề còn lại tối quan trọng là chúng ta cần xây dựng những chính sách văn hóa phù hợp với yêu cầu thực tiễn để đảm bảo “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Bối cảnh ra đời của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” 1943 có tính đặc thù, xét về các phương diện/đặc điểm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội. Lịch sử còn ghi rõ: Nhật đưa quân vào Đông Dương lần đầu tháng 9/1940. Sau khi xâm chiếm Việt Nam, đến 3/1945, Nhật đảo chính, lật đổ chính quyền Pháp, dân tộc ta rơi vào tình cảnh cùng một lúc “một cổ bị hai tròng” áp bức.

Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai (1939 - 1945), vào giai đoạn đầu (1939 - 1941) tình thế phe phát xít (Đức - Ý - Nhật) tạm thời mạnh và thắng cục bộ. Một không khí bi quan bao trùm thế giới, nhất là khi sau 22/6/1941, Hồng quân Liên Xô bị động, bị tiêu hao sinh lực trước sức tấn công vũ bão của quân đội Đức có ưu trội về vũ khí và quân số, càng không loại trừ nhân tố bất ngờ chiến tranh.

Nhưng ở Việt Nam tình thế lịch sử lại khác, có lợi cho phong trào cách mạng trong nước. Nguyễn Ái Quốc sau ba mươi năm (1911 - 1941) lênh đênh bốn biển, bôn ba hải ngoại ngoại tìm đường cứu nước, lần đầu tiên trở về cố quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam: “Ôi sáng xuân nay, Xuân 41/ Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/ Bác về... Im lặng. Con chim hót/ Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ” (Tố Hữu - “Theo chân Bác”, 1/1970).

Mặt trận “Việt Nam độc lập đồng minh” (gọi tắt là Việt Minh), thành lập 19/5/1951, là biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Một sáng kiến vĩ đại của Nguyễn Ái Quốc vì Người hiểu rõ nguồn gốc của sức mạnh cộng đồng dân tộc là “Đoàn kết. Đoàn kết. Đại đoàn kết! Thành công. Thành công. Đại Thành công!”. Tôn chỉ và mục đích của Mặt trận Việt Minh là: “Liên hiệp hết các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đặng cùng nhau đánh đuổi Nhật, Pháp làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Như vậy, Đảng Cộng sản Đông Dương lúc này là một bộ phận trong mặt trận và trực tiếp lãnh đạo Việt Minh. Kể từ tháng 1/1941, khi Nguyễn Ái Quốc trở về nước lãnh đạo cách mạng đến khi giành thắng lợi Cách mạng tháng Tám (1945), chỉ trong một thời gian ngắn cách mạng đang ở cao trào nhưng mặt trận văn hóa (cùng với mặt trận chính trị, quân sự) luôn được Đảng quan tâm thấu suốt. “Đề cương về Văn hóa Việt Nam’, ra đời vào thời điểm tháng 2/1943 có ý nghĩa chiến lược văn hóa.

Theo Giáo dục & Thời đại
Ý kiến bạn đọc
captcha
công ty cổ phần phát triển đô thị kỷ niệm ngày sinh đồng chí nguyễn lương bằng Cổng thông tin tỉnh hải dương cổng thông tin hội đồng nhân dân

Lịch phát sóng

Radio online
Giá vàng JSC
Khu vực Mua vào Bán ra
Ngoại tệ
Mã NT Mua TM Mua CK Bán
USD 23.00 23.00 23.00
SGD 17.00 17.00 17.00
JPY 159.90 161.52 169.28
GBP 29.00 29.00 30.00
EUR 25.00 25.00 26.00
CAD 17.00 17.00 17.00
AUD 15.00 15.00 15.00

Thông tin thời tiết

Dự báo thời tiết Hải Dương

Hôm nay, 29/03/2024

°C -°C

°C -°C

°C -°C
Theo TTKTTV