Chính phủ nước ta đang chỉ đạo tập trung thực hiện các chính sách và giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra. Trong đó, công tác truyền thông được chú trọng triển khai với các nội dung như phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến bảo vệ môi trường, phòng, chống rác thải nhựa;
Tác hại của chất thải nhựa và túi nilon; Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tái chế rác thải nhựa; kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và tăng trưởng xanh... Hình thức tuyên truyền cũng rất đa dạng như tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống rác thải nhựa; Tổ chức biên soạn, phát hành các xuất bản phẩm như sổ tay, tờ rơi, tờ gấp,... về phòng, chống rác thải nhựa.
Hệ quả tất yếu là nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa chuyển biến tích cực. Chị Nguyễn Thị Lan, ở quận Đống Đa, Hà Nội là một trong số đó. Song, giữa nhận thức và hành động dường như vẫn còn một khoảng cách. “Mình cũng hiểu sử dụng túi nilon hay đồ nhựa dùng một lần là không tốt, ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường nhưng nhiều khi không tiện để mang cốc, hộp thủy tinh, giỏ hoặc làn đựng thì phải dùng túi nilon”, chị Lan viện dẫn.
Qua các phương tiện truyền thông, từ lâu, chị Nguyễn Thu Trang, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội hiểu rõ tác hại của các sản phẩm dùng một lần được làm từ nhựa. Thế nhưng thói quen sử dụng túi nilon mỗi khi đi chợ vẫn không có gì thay đổi. Về điều này, chị lý giải: “Khi mình đi chợ mua đồ, tới mỗi sạp hàng mình lại mua một ít và họ đều đưa cho mình túi nilon. Vì họ bán hàng, họ sử dụng túi nilon thoải mái quá”.
Khi được hỏi về tác hại của túi nilon, chị Trần Mai Hoa - chủ một sạp hàng trong chợ dân sinh ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng đưa ra câu trả lời khá rõ ràng và đầy đủ. Ai cũng nghĩ, với nhận thức như vậy, chị sẽ dùng các loại bao bì thân thiện với môi trường để thay thế. Nhưng không! Chị vẫn dùng túi nilon để đựng hàng. Chị Hoa nêu lý do: “Nhiều lúc mình không đưa túi nilon thì họ lại cứ đòi hỏi. Ví dụ mua 1.000 - 2.000 đồng tiền hành họ cũng đòi phải có túi đựng thì mình cũng phải đưa cho người ta thôi”.
Tác hại của các sản phẩm nhựa dùng một lần nói chung và túi nilon nói riêng đã rõ. Qua truyền thông, cộng đồng cũng nắm rõ điều này. Thế nhưng, thực tế cho thấy từ nhận thức đến cách ứng xử với các sản phẩm nhựa dùng một lần vẫn còn một khoảng cách.