Góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội, thế nhưng hiện nay đời sống của rất nhiều công nhân các khu công nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Không những vậy, những điểm tập trung đông công nhân các khu công nghiệp còn là nơi các đối tượng phạm tội thường xuyên lợi dụng hoạt động dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Tăng cường xây dựng các mô hình bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở trong những khu vực nhiều khu công nghiệp, phối hợp giữa tổ chức công đoàn và lực lượng Công an là vấn đề được nhấn mạnh tại Diễn đàn chuyên đề số 10: Các giải pháp nắm chắc tình hình công nhân, ổn định quan hệ lao động, bảo đảm an ninh trong công nhân do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức chiều 30/11.
Bình Dương là tỉnh có 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp với gần 60 nghìn dự án đầu tư trong nước, trên 4 nghìn dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Đây cũng là địa phương có đông công nhân lao động với khoảng 1,2 triệu người, trong đó có 820 nghìn người là đoàn viên công đoàn.
Theo nắm bắt của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, đi cùng với những mặt thuận lợi cũng tiềm ẩn không ít khó khăn, bởi các loại tội phạm lợi dụng địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, khu vực giáp ranh để ẩn nấp, hoạt động phạm tội, làm phát sinh và tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tình hình hoạt động của các đối tượng hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, tội phạm lợi dụng công nghệ cao, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp.
Từ đó, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã xây dựng nhiều mô hình bảo vệ an ninh trật tự đã và đang phát huy hiệu quả. Đơn cử như mô hình "Công nhân xung kích", 5 năm qua đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các khu công nghiệp, những nơi tập trung đông công nhân sinh sống.
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã thành lập được 991 Đội Công nhân xung kích tự quản về an ninh trật tự, với hơn 20 nghìn thành viên. Đội đã tổ chức tuần tra, canh gác bảo vệ được 9.662 lượt tại doanh nghiệp. Thông qua việc tổ chức tuần tra, canh gác, đội đã kịp thời báo cho lực lượng Công an 3.239 tin có liên quan về an ninh trật tự để xử lý, tiếp nhận và giải quyết hơn 1.182 vụ việc, phối hợp tham gia chữa cháy gần 60 vụ cháy nhỏ… phối hợp với chủ doanh nghiệp và lực lượng Công an ổn định tình hình an ninh, trật tự tại 29 doanh nghiệp xảy ra tranh chấp.
Với hơn 170 nghìn công nhân lao động, các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP Hà Nội, công đoàn các cấp TP Hà Nội đã luôn phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an triển khai các hoạt động đảm bảo an ninh, trật tự cơ sở vì cuộc sống bình yên trong công nhân.
Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và khu chế xuất TP Hà Nội cho biết, hàng năm tổ chức công đoàn phối hợp Công an thành phố và Ban Quản lý tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Tổ chức công đoàn cũng tập trung nắm chắc tình hình tư tưởng đoàn viên, công nhân lao động, kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh trong quan hệ lao động, đặc biệt là định hướng dư luận xã hội trong công nhân lao động, không để hình thành các điểm nóng về an ninh trật tự tại các khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân, ngăn chặn nguy cơ phát sinh tranh chấp lao động.
"Chúng tôi thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an đến từng doanh nghiệp, khu nhà trọ công nhân để tuyên truyền kỹ năng, kiến thức phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, tố giác tội phạm, phòng chống cháy nổ, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động "tín dụng đen", góp phần giáo dục, nâng cao ý thức tự phòng tránh, giữ gìn an ninh trật tự, giúp công nhân lao động cảnh giác với các loại tội phạm, không để bị lôi kéo, vướng mắc vào các tệ nạn xã hội", ông Thắng cho biết.
Đề cập đến tình trạng phạm tội tại các khu công nghiệp, những khu vực tập trung nhiều công nhân lao động, Thượng tá Bùi Đức Tài, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, đây là vấn đề luôn được lãnh đạo Bộ Công an rất quan tâm và thường xuyên có những chỉ đạo để giải quyết triệt để. Thượng tá Phạm Đức Tài cho biết, tình hình tội phạm liên quan đến công nhân lao động hiện nay rất phức tạp. Với hơn 13 triệu công nhân khu công nghiệp hiện nay, cùng với cuộc sống đặc thù luôn là mục tiêu của nhiều đối tượng tội phạm. Một trong những vấn đề nổi lên thời gian qua là các đối tượng tội phạm công nghệ cao lừa đảo công nhân lao động thông qua các app lừa đảo tín dụng, kinh doanh.
"Nguyên nhân thì có nhiều nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là thời gian qua công nhân, người lao động đặc biệt khó khăn về kinh tế. Chúng tôi nhận định rằng, khó khăn của người lao động sẽ còn tiếp tục kéo dài do hiện nay không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới đang rơi vào suy thoái kinh tế, cùng với đó người lao động lại còn phải đối mặt với khó khăn về việc làm. Do đó, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các khu công nghiệp, trong công nhân lao động sẽ còn tiếp phức tạp. Trong khi đó, đặc thù các khu công nghiệp là có mật độ rất đông vì thế sự xâm nhập, ảnh hưởng, lôi kéo của các mặt trái xã hội là rất dễ xảy ra", Thượng tá Phạm Đức Tài nhận định.
Giải pháp cho vấn đề này thời gian tới, theo Thượng tá Phạm Đức Tài, tổ chức công đoàn và lực lượng công an cần triển khai tốt hơn nữa quy chế phối hợp mà Bộ Công an và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ký kết ngày 25/4/2023. Trong đó cần phối hợp hiệu quả hơn nữa để đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm, phát triển mạnh hơn nữa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nhiều mô hình tự quản, liên gia tự quản… trong công nhân lao động để bảo vệ an ninh, trật tự.