Theo chia sẻ của nhạc sĩ Lân Cường (Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội), nhạc sĩ Văn Dung qua đời vào tối qua (ngày 8/3) tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Hơn một năm trở lại đây, ông hay đau ốm mỗi khi thời tiết thay đổi. Cuối tháng 2, nghệ sĩ được gia đình đưa vào bệnh viện điều trị do sức khỏe giảm sút.

Nhạc sĩ Văn Dung (Ảnh: Nguyễn Thị Minh Châu)
Nhạc sĩ Văn Dung (Ảnh: Nguyễn Thị Minh Châu)
 

Nhạc sỹ Văn Dung sinh ngày 15/1/1936, quê ở Hà Nội. Năm 1960, ông tốt nghiệp Trường báo chí Trung ương (Phân hiệu II của Trường Nguyễn Ái Quốc) rồi về công tác tại Ban Công nghiệp Đài Tiếng nói Việt Nam. Theo yêu cầu của nhạc sỹ Cầm Phong, ông về làm biên tập viên âm nhạc. Để đáp ứng công việc, nhạc sỹ Văn Dung đã không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức về âm nhạc từ các đồng nghiệp đi trước để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. 

Môi trường công tác đã tạo nhiều điều kiện cho nhạc sỹ Văn Dung đi thực tế và sáng tác. Trong những năm từ 1965 đến 1971, nhạc sỹ Văn Dung đã có dịp đi thực tế sáng tác ở Khe Sanh, Trường Sơn, Đường 9 Nam Lào. Từ các chuyến đi đó, nhạc sỹ đã sáng tác các ca khúc nổi tiếng như: “Giải phóng quân ta ra đi” (1965), “Tiến về Khe Sanh” (1968), “Đường Trường Sơn xe anh qua”, “Bài ca Đường 9 chiến thắng” (1971)...

Ông từng chia sẻ về giai đoạn này: “Thời của những năm tháng kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh ấy đối với tôi còn nhiều hơn cả cái gọi là kỷ niệm, nó trở thành một phần đời với nỗi ám ảnh khôn nguôn về sự hy sinh mất mát. Tôi đã thể hiện trong từng cung bậc của các bài hát, giai điệu và hôm nay khán giả còn nhớ được những bài hát ấy, với tôi là sự hy sinh của biết bao thế hệ tuổi trẻ Việt Nam trên những con đường ra trận”.

Sau này, nhạc sỹ Văn Dung còn sáng tác nhiều ca khúc về thiếu nhi, thanh niên, ca khúc về các ngành nghề khác nhau, về những vùng miền khác nhau như: “Những bông hoa trong vườn Bác”, “Em đố mẹ em”, “Chim chích bông”, “Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh”, “Vinh quang công nhân Việt Nam"...

Năm 2001, nhạc sĩ Văn Dung được trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I.