Tin hieu tich cuc cho muc tieu xuat khau 7 trieu tan trong nam 2023 hinh anh 1Bốc xếp gạo xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Theo nhận định của Bộ Công Thương, gạo là một trong những mặt hàng có giá xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ. Điểm đáng lưu ý là tháng 2/2023, giá gạo xuất khẩu tại các thị trường chủ chốt ở châu Á diễn biến trái chiều.

Trong khi giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đi xuống, thì giá gạo của Việt Nam và Ấn Độ tăng lên mức cao nhất trong gần 2 năm do nhu cầu mạnh ngay cả khi rủi ro nguồn cung toàn cầu vẫn còn…

Những diễn biến này là tín hiệu tích cực cho gạo xuất khẩu của Việt Nam và dự báo kim ngạch xuất khẩu gạo năm nay sẽ đạt khoảng 7 triệu tấn, với giá trị kim ngạch ước tính khoảng 4 tỷ USD.

Liên quan tới mặt hàng này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có một số trao đổi với phóng viên về việc hỗ trợ xuất khẩu, hướng đến mục tiêu 7 triệu tấn gạo trong năm nay.

- Thưa ông, các số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang dẫn đầu trên thị trường quốc tế trong suốt nhiều tháng nay. Dưới góc độ quản lý Nhà nước về hoạt động xuất nhập khẩu, xin ông cho biết cụ thể hơn về lĩnh vực này?

Ông Trần Thanh Hải: Xuất khẩu gạo luôn là mặt hàng trọng điểm trong xuất khẩu nông sản nói riêng cũng như xuất khẩu nói chung. Trong thời gian vừa qua có thể thấy xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến khi gia tăng cả về số lượng và trị giá.

Đặc biệt là trong những tháng gần đây, giá gạo xuất khẩu luôn ở mức cao, cụ thể như gạo 5% tấm từ mức xấp xỉ 450 USD/tấn, gạo 25% tấm khoảng 430 USD/tấn. Đây là những kết quả rất khả quan. Hiện nay, giá gạo của Việt Nam đang vượt cả giá gạo của Thái Lan và Ấn Độ.

- Xin ông cho biết những nguyên nhân nào cho các kết quả này, cụ thể là về chất lượng gạo hay thị trường xuất khẩu gạo có sự biến động, thưa ông?

Ông Trần Thanh Hải: Trước hết, ở tại thị trường trong nước, trong thời gian vừa qua các bộ, ngành đã có sự hỗ trợ rất tích cực các doanh nghiệp để chuyển đổi mặt hàng gạo, đơn cử như: mở rộng vùng trồng để qua đó nâng cao chất lượng hạt gạo, tập trung vào các chủng loại gạo cao cấp, gạo thơm…

- Xuất khẩu gạo vào một số thị trường 2 tháng đầu năm 2023.

Tin hieu tich cuc cho muc tieu xuat khau 7 trieu tan trong nam 2023 hinh anh 2

Đối với thị trường bên ngoài, yếu tố khách quan thì chúng ta thấy hiện nay Ấn Độ vẫn đang duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo thì cũng tạo ra sự khan hiếm nhất định trên thị trường thế giới. Trong khi đó, các nước như Trung Quốc, Philippines, Indonesia cũng đang có nhu cầu mua gạo tăng trở lại.

Đặc biệt là với Indonesia, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang mặc dù số lượng còn thấp nhưng mức độ tăng trưởng rất cao thì cũng là một tiềm năng về thị trường lớn trong tương lai.

- Vậy ông có dự báo như thế nào về hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay, ở cả góc độ thị trường cũng như là dư địa cho xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam?

Ông Trần Thanh Hải: Hiện nay, sản xuất gạo trong nước duy trì rất tốt, về cơ bản chúng ta sẽ có được nguồn cung xuất khẩu gạo ổn định. Còn đối với vấn đề thị trường, nếu Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo của họ thì đấy cũng là điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng như là các thị trường xuất khẩu gạo khác.

Bên cạnh đó, việc các nước đang mở rộng nhu cầu mua, đặc biệt là các thị trường truyền thống của Việt Nam, như: Trung Quốc, Philippines cũng sẽ giúp cho chúng ta có thể đảm bảo được lượng gạo xuất khẩu năm nay, phấn đấu đạt lượng xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn.

- Thưa ông, ngoài các thị trường truyền thống thì Việt Nam cũng đã tiếp cận được một số thị trường cho giá trị cao như là thị trường EU và tận dụng được những cơ hội từ Hiệp định EVFTA. Ông nhìn nhận như thế nào về cơ hội này?

Ông Trần Thanh Hải: Về thị trường Liên minh châu Âu (EU), so với các thị trường khác khối lượng xuất khẩu không phải là nhiều nhưng lại được chủng loại gạo cao cấp, đặc biệt là gạo thơm.

Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết, các bộ, ngành của Việt Nam, như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận để giúp cho hoạt động xuất khẩu gạo đặc biệt là gạo thơm của chúng ta sang thị trường này.

Đến nay có thể nói là mức tăng trưởng cũng rất là tốt. Tôi cũng hy vọng cùng với EU chúng ta cũng có thể gia tăng lượng gạo xuất khẩu sang những thị trường cao cấp khác như Nhật Bản, Hoa Kỳ.

- Xin cảm ơn ông./.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 2/2023 ước đạt 430.000 tấn với giá trị 231 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 789.000 tấn và đạt giá trị 417 triệu USD. Ước tính, giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 528,5 USD/tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Còn theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm.