Gói chính sách có tổng trị giá hơn 340.000 tỷ đồng, được các bộ, ngành, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội “chạy đua” với thời gian, làm việc bất kể ngày nghỉ, giờ nghỉ để kịp trình Quốc hội và Quốc hội lần đầu tiên trong lịch sử phải tổ chức một kỳ họp bất thường để thảo luận, thông qua nghị quyết một cách khẩn trương nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, đồng thời để gói chính sách đạt hiệu quả cao nhất. Gói chính sách cũng chỉ có giá trị trong hai năm, năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, đến hết tháng 5, gần nửa năm 2022 trôi qua nhưng việc triển khai thực hiện nghị quyết, theo đánh giá của đại biểu Quốc hội, có vẻ như chưa qua vòng thủ tục, tiến độ rất chậm. Vì vậy, đại biểu Quốc hội bày tỏ sự sốt ruột và lo lắng về hiệu quả của chương trình.

Trên sốt ruột, dưới bình chân
Ảnh minh họa: TTXVN 

Lãnh đạo Quốc hội, đại biểu Quốc hội sốt ruột là vì “điểm rơi” của gói chính sách đã được tính toán kỹ lưỡng, nếu được triển khai khẩn trương, kịp thời thì tác động tích cực tới sự phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sẽ đạt ở mức cao nhất. Ngược lại, nếu việc triển khai chậm trễ, thiếu tích cực thì không những gói chính sách không phát huy hiệu quả như mong muốn mà còn có thể gây sức ép rất lớn tới việc bảo đảm các cân đối vĩ mô, nhất là áp lực về lạm phát trong bối cảnh giá cả xăng, dầu leo thang như hiện nay. Cùng với đó là những tác động quốc tế tới việc thực hiện gói chính sách. Khi các nước đã giải ngân xong những gói kích thích kinh tế sau đại dịch, đã chuyển sang giai đoạn giải quyết hậu quả tiêu cực của các gói kích thích kinh tế mang lại cho nền kinh tế, Việt Nam mới triển khai gói hỗ trợ sẽ dẫn tới sự “lệch pha” trong chính sách vĩ mô. Khi các nước chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát sau các gói kích thích, sức mua thị trường sẽ giảm. Lúc ấy, hàng hóa Việt Nam mới được hỗ trợ phục hồi sản xuất thì việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa sẽ không hề đơn giản. Hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được sẽ tạo ra hiệu ứng ngược, rất nguy hiểm cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong khi đó, Nghị quyết số 43/2022/QH15 đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa  (GDP) bình quân trong cả giai đoạn 2021-2025 là 6,5-7%, nhưng tăng trưởng năm 2021 chỉ đạt 2,58% và quý I-2022 cũng chỉ đạt 5,03%. Để đạt được mục tiêu nghị quyết của Đảng và nghị quyết của Quốc hội đề ra, ít nhất tốc độ tăng trưởng của 4 năm còn lại trong nhiệm kỳ phải đạt 7,5-8%. Với tốc độ triển khai gói chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội như hiện nay, liệu tăng trưởng GDP trong 4 năm còn lại có thể đạt bình quân 7,5-8% hay không? Sự lãng phí cơ hội trong trường hợp này không chỉ là sự lãng phí về tiền của, ngân sách mà còn lãng phí cả dư địa trong thực hiện mục tiêu về lâu dài cho đất nước.

Bởi vậy, đã đến lúc cần có sự đốc thúc rất quyết liệt trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Như vậy chúng ta mới đáp ứng được mục tiêu cho từng giai đoạn mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra!

CHIẾN THẮNG